Lịch sử Tham nhũng tại Việt Nam

Hành vi tham nhũng đã được sử sách ghi lại từ rất sớm trong thời phong kiến ở Việt Nam.

Nhà Lý (1009-1225) đã đề ra những quy định khắt khe và rất cụ thể để ngăn ngừa và trừng trị hành vi tham ô. Đối với việc thu thuế, các quan nha, thư lại ở lĩnh vực này cùng với mười phần phải đóng vào kho triều đình, họ được thu riêng một phần gọi là “hoành đầu”. Kẻ nào thu quá số ấy thì bị khép vào tội ăn trộm. Đối với Khố ty thu thuế lụa, nếu “ăn lụa” của dân thì cứ mỗi thước lụa bị phạt 100 trượng; “ăn” một tấm lụa đến trên 10 tấm thì theo số tấm, thêm phối dịch 10 năm.

Thời vua Lê Thánh Tông đặt ra Bộ luật Hồng Đức. Trong Điều 138 của bộ luật này có ghi: “Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền bị cách chức, từ 10 đến 19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày, từ 20 quan trở lên bị xử chém. Các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan bị phạt 50 quan, từ 10 đến 19 quan thì bị phạt từ 60 đến 100 quan, từ 20 quan trở lên bị phạt làm phu. Của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho”

Cuối thời chúa Nguyễn, Trương Phúc Loan trở thành quyền thần thao túng, chúa Nguyễn Phúc Thuần chỉ còn là bù nhìn trên ngai. Loan tự nhận là Quốc phó, giữ Bộ Hộ, quản cơ Trung tượng kiêm Tàu vụ, thâu tóm mọi quyền lực về chính trị và kinh tế. Thuế sản vật các mỏ vàng Thu Bồn, Đồng Hương, Trà Sơn, Trà Vân... đều rơi vào tay Loan, hàng năm Loan chỉ nộp vào ngân sách quốc gia 1–2 phần mười số thuế thu được. Sử sách còn ghi lại rằng ngày nắng, Loan cho phơi của cải châu báu ra sân làm sáng rực cả một góc trời. Các quan lại cấp dưới cũng học theo thói xa xỉ đó, nạn tham ô, hối lộ cũng vì thế mà ngày càng nghiêm trọng. Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục có nhận xét về thời kỳ này của chúa Nguyễn Đàng Trong là: “… từ quan to đến quan nhỏ, nhà cửa chạm trổ, tường xây bằng gạch đá, trướng vóc màn the, đồ dùng toàn bằng đồng, bằng sứ, bàn ghế bằng gỗ đàn, gỗ trắc, ấm chén bằng sứ, yên ngựa – dây cương đều nạm vàng, nạm bạc, quần áo là lược, nệm hoa, chiếu mây, lấy phú quý phong lưu để khoe khoang lẫn nhau… Họ coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, hoang phí vô cùng…”[1]. Do quan lại tham nhũng tràn lan nên tài chính vô cùng kiệt quệ, cơ nghiệp chúa Nguyễn lâm vào cảnh suy vong không thể cứu vãn nổi.

Nhà bác học Lê Quý Đôn là học sỹ thời vua Lê chúa Trịnh, nổi tiếng uyên bác, từng lãnh chức Thượng thư bộ Công. Ông đã tổng kết lịch sử, chỉ ra năm nguy cơ có thể mất nước của các triều đại. Đó là: 1. Trẻ không kính già (đạo đức suy đồi); 2. Trò không trọng thầy (giáo dục suy đồi); 3. Binh kiêu tướng thoái (quân đội suy đồi); 4. Tham nhũng tràn lan (thể chế suy đồi); 5. Sĩ phu ngoảnh mặt (niềm tin suy đồi).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tham nhũng tại Việt Nam http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20111201-transpare... http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121205-viet-nam-... http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5556... http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlin... http://archive.transparency.org/content/download/6... http://cpi.transparency.org/cpi2011/results/ http://cpi.transparency.org/cpi2012/results/ http://cpi.transparency.org/cpi2013/results/ http://www.transparency.org/country#VNM http://www.transparency.org/country#VNM_PublicOpin...